LỜI BÁC HỒ DẠY
Ngày 29/5/1944 “Du kích như cá, dân chúng như nước. Cá không có nước thì cá chết, du kích không có dân chúng thì du kích chết” Là lời của Bác trong bài viết “Cách đánh du kích” Người viết tháng 5 năm 1944, gồm 13 chương. Đây là tài liệu quan trọng thể hiện sự sáng tạo của Bác trong sử dụng từ ngữ quân sự và vận dụng tài tình nghệ thuật đánh giặc của cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước để huấn luyện cho du kích ta đánh giặc. Trong đó, Bác đã viết về mối quan hệ cá - nước giữa du kích và nhân dân rất mộc mạc, nhưng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Mối quan hệ giữa du kích với nhân dân là mối quan hệ tự thân, bởi du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc. Chiến tranh du kích là một phương thức để phát động toàn dân, mà chủ yếu là nông dân tham gia kháng chiến, nó được sinh sôi, nẩy nở giữa vùng địch chiếm đóng, tạo điều kiện thuận lợi để cho mọi người dân tham gia đánh giặc giải phóng quê hương, đất nước. Với lực lượng tại chỗ, vũ khí tại chỗ, thông thuộc địa hình, địa thế, thời tiết, khéo lợi dụng đêm tối, mưa nắng… với những lối đánh giặc chưa từng có trong từ điển quân sự, thoắt ẩn, thoắt hiện, xuất quỷ, nhập thần… làm cho địch khiếp đảm, kinh hoàng đã góp phần làm nên thắng lợi trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Từ mối quan hệ giữa du kích và nhân dân, được Bác nhân lên trong quan hệ giữa bộ đội với nhân dân, Người khẳng định: “Không có dân thì không có bộ đội”. Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của dân, do dân và vì dân. Cội nguồn sức mạnh, sự trưởng thành và chiến thắng của “Bộ đội Cụ Hồ” cũng đều bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân. Thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, nhất là thông qua công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, toàn quân đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình dân vận khéo; tiêu biểu: “Tết Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Tết quân dân”, “Nâng bước em tới trường”.....