* Ý nghĩa tên gọi Trường THCS Lý Thường Kiệt
Việt quốc công Lý Thường Kiệt (1019-1105) tên thật là Ngô Tuấn - một nhà quân sự, chính trị lỗi lạc thời Lý, làm quan qua ba triều Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông. Ông được vua ban cho quốc tính sau đổi từ họ Ngô thành họ Lý: đời Lý Thánh Tông được vua nhận làm con nuôi ban hiệu Thiên tử nghĩa nam; đời Lý Nhân Tông được nhà vua coi như em và ban hiệu Thiên tử nghĩa đệ. Lý Thường Kiệt là một trong hai vị tướng vĩ đại nhất nhà Lý và là một trong 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất lịch sử Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn với công cuộc chinh phạt Chiêm Thành; gắn với chiến thắng vang dội trên phòng tuyến sông Như Nguyệt đánh bại cuộc xâm lược Đại Việt của quân Tống. Và gắn liền với bài thơ thần “Nam Quốc Sơn Hà” - Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta. Hiện nay, ông được phối thờ tại Đình Phúc Xá, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội.
Để ghi nhớ công ơn của Việt quốc công Thái úy Lý Thường Kiệt, UBND phường Ngọc Thụy đã quyết định lấy tên người anh hùng nhà Lý đặt cho ngôi trường THCS thứ hai trên địa bàn phường. Trường THCS Lý Thường Kiệt được thành lập theo quyết định số 1996/QĐ - UBND của UBND quận Long Biên ngày 12 tháng 6 năm 2020 trên cơ sở tách từ trường THCS Ngọc Thụy. Trường nằm trên địa bàn tổ dân phố 17, phường Ngọc Thụy (vị trí đất của trường THCS Ngọc Thụy trước đây).
1. Cơ sở vật chất
Trường THCS Lý Thường Kiệt được xây dựng trên diện tích đất là 7471m2 với tổng diện tích sàn xây dựng là 10347,3m2 gồm 01 tầng hầm và 04 tầng nổi. Trường có 28 phòng học và đặc biệt, trường được đầu tư 12 phòng bộ môn: Tin học, Tiếng Anh; Sinh học; Hóa học; Vật lí;… với các thiết bị đồng bộ, đầy đủ và hiện đại đáp ứng được đủ yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Ngoài ra, trường có nhà thể chất 600m2; một sân bóng cỏ nhân tạo; nhà ăn, bếp ăn riêng;… cùng khu hiệu bộ, hành chính; phòng truyền thống khang trang.
2. Đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên
Ban giám hiệu:
- Hiệu trưởng: Thầy giáo Nguyễn Phú Cường - Nguyên Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THCS Ngọc Thụy, nhiều năm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở; Bằng khen của Bộ Trưởng bộ Giáo dục và đào tạo; và nhiều giấy khen của các cấp.
- Phó hiệu trưởng: Cô giáo Cung Thị Lan Hương - Nguyên phó Hiệu trưởng trường THCS Ngọc Thụy, nhiều năm liên tục được công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố.
Đội ngũ giáo viên:
100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Đội ngũ giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, có phong cách chuẩn mực, ứng xử thân thiện với học sinh và phụ huynh học sinh. Hơn nữa, các giáo viên đều có năng lực chuyên môn vững vàng, giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, năng động, nhiệt tình. Các thầy cô nhiều năm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên giỏi cấp Thành phố, cấp Quận và có kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 PTTH. Tiêu biểu như các cô giáo: Phan Thị Xuân Mai, Phạm Thị Mai Hương, Hoàng Thị Kim Quy, Phạm Thị Tuyết Mai, Trần Thị Minh Phương, Bùi Nguyên Ngọc, Trương Thị Tố Uyên, Trịnh Thị Giang, Nguyễn Thị Hồng, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Thị Tơ….
3. Sứ mệnh:
- Xây dựng môi trường học tập và rèn luyện thân thiện, năng động và sáng tạo giúp học sinh có khát vọng học tập, cống hiến; có bản lĩnh để hội nhập.
- Định hướng học sinh phát triển toàn diện Trí - Đức - Thể - Mĩ; năng động, sáng tạo có khát vọng học tập, cống hiến.
4. Tầm nhìn:
Trường học Hiện đại - Thân thiện - Uy tín - Chất lượng; nơi ươm mầm những hoài bão, khao khát thành công của các thế hệ học sinh phường Ngọc Thụy.
5. Mục tiêu đào tạo:
- Giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức và trí tuệ; thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên và khả năng thích ứng cao.
- Nâng cao tỉ lệ học sinh thi đỗ vào lớp 10 THPT công lập.
- Trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản theo chuẩn kiến thức của Bộ GD&ĐT từ đó có được nền tảng tiếp tục thành công trong các cấp học tiếp theo.
6. Phương châm giáo dục:
- Chú trọng giáo dục toàn diện: hướng dẫn học sinh lĩnh hội tri thức song song với giáo dục đạo đức; tăng cường thực hành đi đôi với học lí thuyết; rèn luyện kĩ năng sống; tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa và bồi dưỡng, phát huy năng lực của học sinh.
- Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh: Khơi dậy và hun đúc các ý tưởng sáng tạo, khả năng tiềm ẩn của các em; rèn kĩ năng thuyết trình, làm việc độc lập, hợp tác làm việc theo nhóm…
7. Phương thức hoạt động của nhà trường:
Hoạt động dạy và học:
- Thực hiện phương pháp giáo dục và dạy học tiên tiến với sự hỗ trợ tối ưu của trang thiết bị hiện đại. Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy; sắp xếp thời khóa biểu hợp lý đảm bảo thời lượng cho các buổi học, tiết học tự chọn.
- Tổ chức học bán trú hai buổi với chương trình bổ trợ, thực hiện kỉ luật nghiêm túc, nề nếp.
- Tổ chức học theo phòng học bộ môn, tích cực ứng dụng CNTT trong giảng dạy và các hình thức dạy; học tiên tiến, hiện đại.
- Khai thác, sử dụng có hiệu quả trang thiết bị phòng thí nghiệm, thực hành.
- Phối hợp liên kết với các trung tâm Tiếng Anh uy tín, chất lượng như Language Link, Dyned,… để rèn luyện cho học sinh đủ 4 kĩ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết.
Hoạt động giáo dục toàn diện:
- Thực hiện theo hướng dẫn của nhiệm vụ năm học đối với các ngày kỉ niệm, ngày lễ lớn trong năm, sinh hoạt theo chủ đề…
- Tăng cường các hoạt động Đoàn - Đội, Câu lạc bộ năng khiếu.
- Tăng cường các hoạt động giao lưu bằng nhiều hình thức như: Thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ, thi vẽ tranh...
- Tăng cường hoạt động của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, các tổ chức xã hội, giao lưu các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao.