”TRÍ TUỆ VÀ SÁNG KIẾN CỦA QUẦN CHÚNG LÀ VÔ CÙNG TẬN”.
Đây là lưu bút của Bác ghi tại cuộc triển lãm ngành Hậu cần Quân đội ngày 01/4/1958.
Bác đã sớm nhận thấy nguồn lực vật chất (tài nguyên thiên nhiên, vốn liếng...) là hữu hạn; còn nguồn lực trí tuệ, khả năng sáng tạo của con người là vô hạn. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trên cương vị là Chủ tịch nước, Người đã có bài viết với tiêu đề “Tìm người tài-đức” đăng trên Báo Cứu quốc.
Bài viết thể hiện sự quan tâm, trân trọng, ghi nhận, đánh giá cao, sử dụng trí thức trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; thể hiện rõ quan điểm của Bác về sự cần thiết phải sớm đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức trong nước và thu hút trí thức Việt kiều ở nước ngoài, tạo điều kiện tối đa cho trí thức phát huy tài năng, kiến thức của mình phục vụ đất nước, Nhân dân.
Phát huy truyền thống, kế thừa những giá trị nhân văn sâu sắc mà Bác, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình quốc gia và đầu tư cơ sở vật chất thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và đánh giá cao vai trò của trí thức, của khoa học công nghệ, coi đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, từng bước đưa kinh tế tri thức giữ vai trò chủ đạo trong tỷ trọng tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phát động trong cán bộ, chiến sỹ tích cực hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiến quân vào khoa học và công nghệ… Hằng năm, toàn quân có hàng nghìn đề tài, công trình, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đưa vào ứng dụng đạt hiệu quả thiết thực, làm lợi cho Nhà nước, Quân đội nhiều tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.